Tin tức
Máy lạnh NAGAKAWA ra đời khi nào, sản xuất ở đâu
Máy lạnh NAGAKAWA ra đời khi nào, sản xuất ở đâu
Không dội bom bằng chiến dịch marketing lớn tại thành thị như các công ty nước ngoài, Nagakawa lại lặng lẽ tìm về các vùng quê.
Khởi điểm là một công ty liên doanh với Nhật ra đời năm 2002, Công ty Cổ phần Nagakawa Việt Nam (Nagakawa - NAG) ngày mới thành lập có tên là Công ty Liên doanh Nagakawa Việt Nam. Trong đó, phía Việt Nam góp 60% vốn và Nhật là 40%.
Vào tháng 9.2006, phía Việt Nam mua lại 40% phần vốn góp của đối tác để trở thành công ty 100% vốn Việt Nam. Thương hiệu Nagakawa vẫn được giữ lại.
Ông Mai Thanh Phương, Tổng Giám đốc Nagakawa, cho biết tháng 7.2002, Công ty đầu tư 100 tỉ đồng nhập máy móc thiết bị để bắt đầu sản xuất máy điều hòa nhãn hiệu Nagakawa. Một cột mốc quan trọng của Công ty là việc chuyển đổi thành cổ phần ngày 21.3.2007. Đến tháng 9.2009, Nagakawa Việt Nam niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã NAG. Tuy nhiên, con đường phía trước của thương hiệu non trẻ này vẫn còn dài và không ít chông gai, nhất là trước sự cạnh tranh quyết liệt của hàng ngoại.
Việc chọn tên nước ngoài có giúp Công ty tăng sức cạnh tranh trên thị trường?
Thương hiệu có tính kế thừa, vì vậy giữ được sự nhất quán của thương hiệu là rất quan trọng. Chúng tôi quyết định giữ tên Nagakawa bởi nó đã gắn với Công ty từ những ngày đầu. Hơn nữa, không nhất thiết phải mang tên Việt Nam mới là sản phẩm của Việt Nam. Chẳng hạn như tên gọi FPT, trong bảng chữ cái của Việt Nam đâu có chữ “F”. Nhưng ai cũng biết thương hiệu này là của Việt Nam và đang được thế giới biết đến.
Đã có một công ty lớn của Trung Quốc lấy tên nước ngoài gắn lên sản phẩm máy điều hòa của mình và tiến vào thị trường Việt Nam, nhưng họ không thành công. Theo ông nguyên nhân là gì?
Đúng là có tập đoàn Trung Quốc lập liên doanh với đối tác Việt Nam xây nhà máy sản xuất máy điều hòa và thiết bị lạnh ở miền Nam nhưng chưa hiệu quả. Vấn đề của họ, theo chúng tôi, là không mở rộng thị trường trong khi thị trường Việt Nam đã quá chật hẹp với những thương hiệu lớn hàng đầu thế giới như Panasonic, Sanyo, Carrier, Trane, York… Khi vào Việt Nam, các thương hiệu này có lợi thế bởi thị trường của họ là toàn cầu. Họ có thể chấp nhận lỗ trong vài năm đầu và dùng lợi nhuận từ một số thị trường đã phát triển tốt khác bù vào.
So với họ, doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ bé về mặt công nghệ lẫn vốn liếng. Trình độ quản lý thì cần được tích lũy lâu dài. Nói thế để thấy được chúng ta nhỏ bé như thế nào khi đứng cạnh những người khổng lồ. Rõ ràng, so với Carrier có tuổi đời gần 100 năm thì Nagakawa còn rất non trẻ.
Khả năng tài chính có phải là trở ngại lớn đối với chiến lược phát triển của Công ty không?
Tôi muốn đưa ra một ví dụ. Một doanh nghiệp Nhật được vay vốn ngân hàng với lãi suất chỉ khoảng 3%/năm. Còn chúng tôi phải chịu mức 17%/năm. Thử hỏi với mức lãi suất chênh lệch như vậy thì chúng tôi cạnh tranh (về giá cả) với các thương hiệu nước ngoài bằng cách nào?
Với bề dày hình thành và phát triển lâu đời, tiềm lực tài chính của họ đương nhiên lớn hơn chúng tôi nhiều lần. Việc tích lũy tư bản của doanh nghiệp Việt Nam bao giờ cũng kém hơn doanh nghiệp nước ngoài. Hai yếu tố cực kỳ quan trọng trong kinh doanh là tài chính và thị trường thì đều nằm trong tay nước ngoài.
Trẻ về thương hiệu, yếu về tài chính, vậy yếu tố nào có thể giúp Nagakawa cạnh tranh được khi thị trường tràn ngập nhãn hàng ngoại?
Chất lượng của máy điều hòa nhiệt độ Nagakawa không thua kém, giá cả lại rẻ hơn hàng ngoại. Một lợi thế là chúng tôi hiểu văn hóa và thói quen tiêu dùng của người Việt Nam hơn. Chúng tôi xây dựng mối liên kết chặt chẽ với các nhà phân phối cũng như khách hàng. Hiện nay, Công ty đã mở rộng mạng lưới với gần 500 đại lý bán hàng ở các xã, huyện tại 40 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nghe nói mỗi năm các ông bỏ ra hơn 1 tỉ đồng cho công tác đào tạo. Hiệu quả thực tế của chiến lược đến đâu?
Một năm, mỗi trưởng phòng được cấp tối thiểu 25 triệu đồng cho việc đào tạo. Cấp giám đốc thì khoảng 35-40 triệu đồng. Hiện nay, Nagakawa có 5 công ty thành viên với 5 giám đốc. Tổng cộng chi phí đào tạo trong 1 năm của Công ty là 1,3 tỉ đồng. Các nhà quản lý cao cấp được gửi sang Singapore và Trung Quốc đào tạo ngắn hạn và sau 3-4 năm, khả năng quản trị hệ thống của họ được cải thiện rõ rệt.
Nagakawa có một trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) thành lập vào tháng 8.2007, liên kết với khoa Điện lạnh Đại học Bách khoa Hà Nội và Hiệp hội Lạnh Việt Nam.
Nagakawa là công ty Việt Nam đầu tiên sản xuất máy điều hòa thương mại, điều hòa bán trung tâm và trung tâm, điều hòa công nghiệp có công suất lớn với tỉ lệ nội địa hóa 53%. Tất cả sản phẩm đều là kết quả nghiên cứu từ Trung tâm của chúng tôi.
Tại sao Nagakawa quyết định mở rộng mạng lưới bán hàng về các xã, huyện trong khi nhu cầu tiêu dùng máy điều hòa ở các thành phố mới là đáng kể?
Vì thị trường nội địa chật hẹp, chúng tôi phải chọn khe hở để len vào. Thị trường máy điều hòa đang vô cùng khốc liệt, nên trước tiên cần trụ hạng đã, tức là phải đạt được các mục tiêu ngắn và trung hạn rồi mới tính chuyện dài hạn.
Nagakawa xây dựng hệ thống đại lý cấp 1 ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Sau khi đã cắm rễ chắc tại những thị trường quan trọng này, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các đại lý cấp 2, cấp 3. Nói thật, Nagakawa chưa đủ lực để bỏ ra vài chục triệu USD một năm cho các chương trình marketing rầm rộ như các tập đoàn quốc tế. Chính vì vậy, phải tập trung phát triển các đại lý tuyến huyện (cấp 2) và tuyến xã (cấp 3), kể cả điểm văn hóa ở thôn làng. Tại những đại lý này, mức giá được niêm yết cụ thể cùng các chương trình khuyến mãi, ví dụ như tặng điều hòa cho điểm giới thiệu sản phẩm ở xã, huyện. Sau đó, chính họ sẽ là những người đặt hàng các nhà phân phối, đại lý cấp 1. Muốn qua sông thì phải phụ thuộc người lái thuyền, mà người lái (đại lý cấp 1) lại phụ thuộc vào mái chèo (đại lý cấp 2, 3). Sở dĩ doanh thu của Nagakawa được như thế (300 tỉ đồng năm 2010) là nhờ công sức lớn của hệ thống “mái chèo” .
Ông đánh giá ra sao về mức độ thành công của các thương hiệu điều hòa Việt Nam xuất khẩu?
Tôi cho rằng hiện nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào xuất khẩu máy lạnh ra thị trường quốc tế một cách bài bản, mới chỉ là quảng bá cho thương hiệu chứ chưa trở thành ngành xuất khẩu mũi nhọn. Nói chung là cần có thêm thời gian.
Các bài viết khác
- Hàng đã có sẵn đầy kho - Anh em cần liên hệ hotline: 0877422225 (14.03.2023)
- Đánh giá nhanh ưu, nhược điểm của máy lạnh âm trần nối ống gió (04.01.2023)
- Bỏ túi 5 lưu ý hữu ích khi vệ sinh máy lạnh tại nhà (14.12.2022)
- Top 3 máy lạnh treo tường 1 HP giá dưới 7 triệu đồng (13.12.2022)
- Điểm danh 5 dòng máy lạnh 1 ngựa tiết kiệm điện, đáng mua nhất hiện nay (10.12.2022)
- Vệ sinh máy lạnh Sharp và Toshiba tại nhà nhanh chóng, hiệu quả (09.09.2022)
- Top 5 thương hiệu máy lạnh âm trần giá tốt, chất lượng nhất hiện nay (08.09.2022)
- Thương hiệu nào sở hữu các dòng máy lạnh inverter giá tốt, chất lượng hiện nay? (08.09.2022)
- Top dịch vụ lắp đặt máy lạnh giá tốt và chuyên nghiệp nhất tại TPHCM (07.03.2022)
- Dịch vụ lắp đặt máy lạnh uy tín tại Tây Ninh (07.03.2022)
- Dịch vụ lắp đặt máy lạnh uy tín giá tốt tại Đồng Nai (07.03.2022)
- Dịch vụ lắp đặt máy lạnh quận Tân Bình uy tín, giá rẻ và chuyên nghiệp (26.02.2022)